Sunday, May 1, 2011

Hướng dẫn tự cài đặt hệ thống âm thanh

Với một số công cụ và hướng dẫn cài đặt loa bằng tay, bạn có thể tạo ra chất lượng âm thanh hoàn hảo nhất cho receiver cũng như hệ thống rạp hát gia đình của mình.


>> Tìm hiểu hoạt động của loa – cơ bản về âm thanh

>> Yamaha RX-V3067 – receiver ‘ôm đồm’ công nghệ


Ngày nay, hầu hết các receiver đều có hệ thống cài đặt tự động giúp việc sử dụng trở nên tiện lợi. Tuy vậy, không phải lúc nào hệ thống này cũng cài đặt đo lường và cài đặt chéo chính xác. Ngoài ra, các hệ thống cài đặt tự động thường tạo ra những hiệu chỉnh EQ (Equalizer – bộ cân bằng) nên không phải luôn luôn cho hiệu quả cải thiện chất lượng âm thanh.


Thực tế, đối với những loa chất lượng cao, sử dụng cài đặt tự động làm cho loa của bạn chưa đạt đến chất lượng âm thanh tốt nhất. Sau đây là các bước hướng dẫn để người dùng có thể tự cài đặt loa cho hệ thống âm thanh của mình.


Bước 1: Đảm bảo rằng bạn có thể nhìn thấy màn hình hiển thị (OSD) của receiver trên TV


Màn hình hiển thị của Onkyo


Việc cài đặt receiver sử dụng màn hình LCD tí hon khiến bạn thấy phiền toái. Thay vì điều đó, hãy đảm bảo rằng bạn có thể nhìn thấy màn hình của receiver trên TV. Nhiều receiver hiện đại có đầu ra cho OSD qua kết nối HDMI kỹ thuật số, nhưng một số receiver cũ hơn đòi hỏi kiểu kết nối video cũ hơn.


Nếu bạn không thấy menu xuất hiện trên TV khi bạn nhấn nút “menu” hoặc “setup” trên bộ điều khiển từ xa của receiver, hãy chắc chắn rằng bạn có ít nhất một cáp RCA dễ dùng để kết nối đầu ra video phức hợp (jack RCA màu vàng) của receiver với một trong các đầu vào video phức hợp của TV.


Bước 2: Hiểu menu của receiver


Bạn có thể dành thời gian đọc sổ tay hướng dẫn, tuy nhiên kinh nghiệm thực hành tìm duyệt menu của receiver bằng điều khiển từ xa sẽ rất có lợi.


Sau khi duyệt một lúc, bạn sẽ thấy rằng bạn nhớ chỗ có nhiều lựa chọn. Đừng lo nếu bạn không hiểu nghĩa của một số thuật ngữ. Chúng tôi sẽ giải thích những thuật ngữ này khi chúng ta cài đặt.


Bước 3: Đặt loa


Đôi khi diện tích và thiết kế căn phòng quyết định vị trí đặt loa. Tuy nhiên, việc thiết lập một dàn âm thanh cũng phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản.


Minh họa vị trí đặt loa cơ bản:


Sơ đồ bố trí loa trong phòng


Chú ý rằng cần đặt kênh trung tâm ngay phía dưới hoặc phía trên TV của bạn. Vì hầu hết các cuộc đàm thoại phát ra từ loa này nên nó càng gần TV càng tốt để duy trì ảo giác rằng âm thanh đến từ chính hình ảnh.


Đặt loa trái và loa phải sao cho khoảng cách giữa chúng bằng khoảng cách từ bạn đến TV, tạo thành tam giác đều với 3 đỉnh là đầu của bạn và 2 loa, và khoảng cách từ đỉnh của 2 loa đến sàn bằng khoảng cách từ tai bạn đến sàn, trung bình khoảng 41 inch (≈ 1m).


Tiếp theo, đặt loa surround cao hơn tai bạn, tầm 48 inch (≈ 1,2m) đến 72 inch (≈ 1,8m) so với mặt đất, và về phía sau vị ví bạn ngồi một chút. Nếu bạn có loa surround sau (kênh thứ 6 hoặc thứ 7), hãy đặt chúng vào cùng vị trí như những loa trước ở trên tường phía sau bạn.


Đối với loa siêu trầm, tránh đặt ngang bằng với một góc của phòng hoặc trong tủ đặt các phương tiện giải trí cho gia đình bạn. Loa siêu trầm thường tạo ra âm thanh tốt nhất khi đặt ở vị trí cách tường bên và tường phía trước (hoặc sau) 1/3 đường đi vào phòng. Bạn có thể đặt loa siêu trầm ở phía sau phòng cũng được nhưng phải đảm bảo nó cách đầu bạn 3 feet (≈ 0,9m). Nếu không tìm thấy chỗ đặt phù hợp như gợi ý của chúng tôi, bạn có thể đặt loa ở vị trí đảm bảo khoảng cách giữa loa siêu trầm và tường phải là ít nhất 1 foot (≈ 3,3m).


Sau khi đặt loa và kết nối loa với receiver, bây giờ là lúc bạn cài đặt receiver để điều khiển các loa. Trên menu của receiver, chọn “speaker setup”. Hầu hết các receiver có cùng các thông số điều chỉnh cơ bản, gồm: khoảng cách loa, kích cỡ loa và cài đặt giao cắt (crossover), cường độ tín hiệu của loa.


Bước 4: Khoảng cách loa


Khoảng cách loa là khoảng cách giữa từng loa đến vị trị trí bạn ngồi nghe. Việc cài đặt này nhằm đảm bảo âm thanh từ mỗi loa đến tai bạn cùng một thời điểm. Hãy đo và ghi lại các khoảng cách loa để nhập vào receiver. Receiver sẽ yêu cầu bạn điền thông tin về khoảng cách với gia số theo feet, nửa feet hoặc 1/12 foot. Bạn có thể làm tròn lên hoặc xuống nếu cần.


Bước 5: Sự giao cắt giữa các loa


Menu cài đặt loa trên receiver


Có lẽ việc cài đặt A/V receiver đối với loa quan trọng và dễ gây hiểu lầm nhất là cài đặt giao cắt. Trong trường hợp này, “giao cắt” chỉ điểm mà receiver kết thúc truyền bass (âm trầm) đến mỗi loa và bắt đầu truyền đến loa siêu trầm. Cài đặt giao cắt chính xác phụ thuộc vào khả năng tạo bass.


Hầu hết các nhà sản xuất loa đều đưa ra thông số kỹ thuật cho biết điểm mà loa ngừng tạo bass. Ví dụ: Có thể bạn nhìn thấy thông tin “Frequency Response: 60Hz-20kHz”. Ở đây, nhà sản xuất cho biết các loa có thể hoạt động được đến tần số 60hz, nhưng bass ở điểm thấp nhất và thường yếu hơn nhiều so với phạm vi hoạt động còn lại của nó. Vì vậy, để an toàn bạn cần tăng chỉ số trên thêm 20hz.


Thông thường loa trái và phải phía trước lớn hơn loa kênh surround và trung tâm. Trong trường hợp này, bạn thiết lập cài đặt giao cắt khác nhau cho mỗi loa. Nếu các hệ thống sử dụng các loa giống nhau cho tất cả các kênh thì thiết lập cùng tần số giao cắt cho mỗi loa.


Các receiver cũ không cho phép thiết lập tần số giao cắt đối cho từng loa. Thay vào đó, các receiver này thường đưa ra các lựa chọn đơn giản “large” (lớn) hay “small” (nhỏ) với một điểm giao cắt duy nhất cho tất cả các loa “small”.


Để loa lớn có thể tạo ra nhiều bass thấp, trước hết bạn thiết lập cho các loa là large hay small, sau đó chọn tần số bass thấp nhất của loa nhỏ nhất làm điểm giao cắt cho tất cả các loa “small”. Ví dụ: Nếu bạn có các loa trước có thể hoạt động đến 80hz nhưng các loa surround nhỏ hơn và chỉ hoạt động đến 100hz, bạn cần thiết lập điểm giao cắt là 100hz. Điều này sẽ đảm bảo sự hoạt động đồng bộ nhất giữa các loa.


Bạn cũng sẽ thấy cài đặt loa siêu trầm riêng biệt ở phần “speaker size” hoặc “crossover” trên menu. Tất cả các nhà sản xuất gọi cài đặt với tên khác nhau, nhưng chức năng của nó tương tự. Nếu loa được thiết lập là large, receiver sẽ đưa ra lựa chọn cho bạn quyết định xem loa siêu trầm được sử dụng như thế nào.


Bạn có thể chọn cho loa siêu trầm (.1 trong 5.1 hoặc 7.1) sử dụng cho hiệu ứng phim tần số thấp hoặc tạo ra bass được truyền tói loa trái và phải phía trước ngoài tín hiệu FFE. Bằng cách chọn “Double Bass: On” hoặc “LFE + Main”, bạn đang chỉ dẫn cho receiver gửi tín hiệu đến cả loa siêu trầm và các loa chính do đó tăng sự đáp tuyến (response) bass của hệ thống của bạn.


Những người có loa hiệu suất lớn thích nghe một mình hơn khi bật nhạc, vì vậy họ thường không chọn tùy chọn này hoặc thiết lập là “LFE only”.


Bước 6: Hiệu chuẩn cường độ tín hiệu loa


Máy đo cường độ âm thanh


Khi hoàn thành việc cài đặt khoảng cách, kích thước và giao cắt, bây giờ là lúc cân bằng âm lượng của mỗi loa đối với vị trí ngồi để đảm bảo bạn nghe từng loa với cường độ phù hợp. Trước khi nghe, sử dụng máy đo cường độ âm thanh sẽ cho bạn kết quả chính xác hơn.


Việc cài đặt cường độ loa sẽ cho phép bạn bật âm thanh thử nhiệm (test tone) để đo âm thanh phát ra của loa. Bạn có thể điều chỉnh cường độ âm phát ra tăng hay giảm nếu cần.


Nếu bạn nghe bằng tai, hãy cố gắng đảm bảo rằng mỗi loa phát ra âm thanh với cường độ bằng với loa trước đó. Bạn có thể nghe đi nghe lại để so sánh. Khi bạn nghe xong lần thứ nhất, hãy nghe lại toàn bộ để chắc chắn rằng mỗi loa có cường độ bằng với loa trước và loa sau.


Nếu sử dụng máy đo cường độ âm thanh thì bạn ngồi ở vị trí nghe trung tâm, bật máy đo lên, chọn cường độ âm là 70db, cường độ áp suất âm thanh là “C” và phản ứng (response) là “slow” (chậm). Giữ máy đo ở trước mặt bạn với với đầu microphone chĩa thằng lên trần nhà. Không chĩa máy đo về phía mỗi loa.


Bạn có thể chọn bất kỳ cường độ nào để hiệu chỉnh loa. 70, 75, 80 là những cường độ phổ biến để sử dụng. Cho dù bạn chọn cường độ nào, hãy điều chỉnh âm thanh thử nghiệm của từng loa sao cho nó làm cho kim của máy đo chỉ cùng một cường độ âm thanh.


Đo chính xác âm thanh từ loa để hiệu chỉnh tốt hơn


Khi đo đến loa siêu trầm, bạn sẽ phát hiện thấy máy đo cường độ âm thanh không đọc âm thanh tần số siêu thấp của loa siêu trầm. Có những sơ đồ chuyển đổi trực tuyến sẽ hướng dẫn bạn sử dụng máy đo cường độ âm thanh với loa siêu trầm, nhưng bạn có thể thu được kết quả tốt qua việc cài đặt loa siêu trầm bằng tai.


Đầu tiên, phải đảm bảo việc thiết lập bộ điều chỉnh (dial) âm lượng của loa siêu trầm theo khuyến nghị của nhà sản xuất hoặc ở điểm nửa chừng (half-way point). Sau đó, tiếp tục tiến hành với âm thanh thử nghiệm và điều chỉnh cường độ âm thanh phát ra của loa siêu trầm sao cho loa siêu trầm bắt đầu làm rung căn phòng.


Để kiểm tra các cài đặt của loa siêu trầm, chúng tôi khuyến nghị sử dụng một đoạn nhạc hoặc phim mà bạn đã quen. Nếu trong khi nghe nhạc hoặc phim trên mà bạn muốn giảm hoặc tăng bass, hãy quay lại phần cường độ loa trên menu và điều chỉnh theo ý bạn.


Bước 7: Thưởng thức


Khi mọi cài đặt đã xong, bạn có thưởng thức hiệu quả âm thanh mềm mại, cân bằng và tự nhiên của hệ thống loa và receiver từ một bộ phim hay một bản nhạc yêu thích bằng chính thành quả lao động của mình.




Theo Điện Tử Tiêu Dùng

Xem đầy đủ bài viết tại http://www.lomkom.com/2011/05/85011

10 phụ kiện “gây cười” dành cho iPhone

Về độ “độc” và “lạ” thì 10 phụ kiện cho iPhone sau đây bỏ xa hầu hết các sản phẩm mà người dùng đã từng gặp.


>> Biến iPhone thành “quái vật” nhắn tin

>> Turntable iPhone Dock – sự kết hợp giữa quá khứ và hiện tại


iPhone TV Hat


Chiếc mũ này được quảng cáo sẽ đem lại cho người dùng cảm giác như đang ngồi xem phim trong rạp. Một ý tưởng không tồi nhưng quá xa vời thực tiễn, đặc biệt vì hình dạng rất kì cục. Kết quả là sản phẩm sớm thất bại và phải ngừng sản xuất.


Freehands Gloves


Màn hình của iPhone sử dụng công nghệ cảm ứng điện dung, công nghệ này mang lại cho iPhone khả năng cảm ứng cực nhạy và việc thao tác trên màn hình rất nhẹ nhàng. Tuy nhiên không có gì là hoàn hảo tuyệt đối và cảm ứng điện dung cũng vậy : Nếu bạn đang đeo găng tay thì bạn sẽ không thể thao tác trên màn hình cảm ứng điện dung do đó là giới hạn của công nghệ này. Giải pháp để vừa được giữ ấm (cho… hầu hết bàn tay) lại vừa có thể sử dụng iPhone trong mùa đông giá buốt? Câu trả lời rất đơn giản: Freehand Glove. Ngón cái và ngón trỏ của bạn sẽ được giải phóng để thoải mái sử dụng iPhone mà không phải tháo găng. Tuy nhiên chắc bạn phải là một fan cuồng lắm mới đi mua găng tay với tiêu chí dùng điện thoại chứ không phải để giữ ấm.


Marware Game Grip


Phụ kiện này sẽ biến chiếc iPhone của bạn thành một tay cầm chơi game, đặc biệt cho cảm giác thật hơn cho các game đua xe. Tuy nhiên liệu bạn có “đủ dũng cảm” để bỏ ra 40$ cho một phụ kiện cồng kềnh và thiếu tính di động như Marware Game Grip.


iPhone Gadget Holster


Đây chắc hẳn là phụ kiện cho ai nghiện dòng phim hình sự Mỹ, với hình ảnh người cảnh sát FBI thò tay vào áo vest và rút súng. Với phụ kiện này, iPhone sẽ luôn kè kè bên sườn bạn, không những thế còn có nhiều ngăn cất chìa khóa, tiền và những vật dụng nhỏ. Nếu bạn không phải là một “đặc vụ” thì đừng nên mua sản phẩm này, rất cộm và khó chịu.


Stylus


Stylus là một chiếc bút cảm ứng dành cho iPhone. Sản phẩm này có lẽ hơi thừa thãi vì hầu như mọi người đều thích dùng ngón tay để lướt trên màn hình hơn. Tuy nhiên đây cũng là giải pháp “chữa cháy” cho những ai để móng tay dài hoặc đơn giản là có ngón tay… quá to.


Telephone lens


Bộ phụ kiện này không hề nâng cao chất lượng ảnh của iPhone, mà chỉ để zoom xa hơn mà thôi. Trong trường hợp đó, người ta sẽ đi mua một chiếc camera riêng chứ chẳng cùng đường đến mức chọn sản phẩm này. Xin chú thích là các bộ ống kính mở rộng dành cho iPhone thường không rẻ chút nào, giá cả dao động từ 300-1000 USD. Với cái giá đó, thực sự mua luôn một chiếc camera có lẽ sẽ “lành” hơn.


Hoodie


Bạn là dân… hiphop nhưng cũng đồng thời là fan của iPhone chứ không phải chiếc Hiptop Sidekick? Bạn khoái mặc những chiếc hoodie và muốn chiếc iPhone của mình cũng chia sẻ sở thích này với “cậu chủ” ? Nếu thế thì chiếc vỏ Hoodie chính là sản phẩm mà bạn nên cân nhắc. Tác dụng duy nhất của Hoodie có lẽ chỉ để chống xước cho iPhone. Khả năng chịu va đập là rất thấp khi chiếc vỏ này chỉ được làm bằng vải mỏng. Dù vậy, độ “quái” của chiếc bao đựng này chắc chắn sẽ thuyết phục được những ai có cá tính mạnh.


iCarta Toilet Roll Holder


Trên sản phẩm này có lẽ nên đề một dòng chữ : “Dành riêng cho những người không thể xa chiếc iPhone (iPod) kể cả trong lúc… đi toilet”. Một trong những ý tưởng kỳ quái nhất được áp dụng lên iPhone. iCarta Toilet Roll Holder là sự kết hợp giữa hộp đựng giấy toilet và bộ loa cho iPhone và iPod. Giờ đây ngoài đọc sách báo, bạn đã có thêm thú vui giải trí mới mỗi khi đi vệ sinh.


iType


Sử dụng kết nối Bluetooth và tương thích với iPhone (sử dụng iOS 4.x trở lên) iType có thể được sử dụng cùng iPad, iPhone. Thực ra iType cũng chứng minh rằng nó là một sản phẩm khá ổn, khi cải thiện được tốc độ soạn thảo văn bản trên iPhone lên đến… n lần. Tuy nhiên phản ứng của người dùng đó là: “Chúng tôi không muốn mang vác thêm 1 cái bàn phím còn… to hơn cả chiếc iPad”. Không hiểu nhà sản xuất có cân nhắc đến tính di động của chiếc bàn phím này hay không?


Windshield Wiper


Lười lấy khăn để lau màn hình ư? Đừng lo, hãy mua Windshield Wiper, cắm điện vào và gắn lên màn hình, thiết bị này sẽ tự động lau bàn phím hộ bạn. Không chắc nó sẽ lau sạch hơn, nhưng chắc chắn nó sẽ lau hộ bạn. Thực ra Windshield Wiper chỉ là một concept vui mà thôi. Sản phẩm này chưa từng và có lẽ sẽ chẳng bao giờ xuất hiện.




Theo MaskOnline/GenK

Xem đầy đủ bài viết tại http://www.lomkom.com/2011/05/84998

Cisco cho nhân viên về hưu sớm để giảm chi phí

Tập đoàn sản xuất thiết bị mạng lớn nhất thế giới Cisco System đã đưa ra đề nghị về hưu sớm dành cho các nhân viên của họ tại Mỹ và Canada, nhằm tiến tới mục tiêu cắt giảm chi phí và tái cơ cấu đội ngũ nhân sự.


>> Cisco, Wi-LAN ký kết thỏa thuận về bằng sáng chế

>> Doanh thu quý 2 của Cisco không đạt kế hoạch


Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)


Thông báo của Cisco có đoạn: “Chúng tôi đang tích cực vận dụng những phương thức khác nhau để giảm chi phí và sử dụng hiệu quả những khoản đầu tư. Do vậy, việc đưa ra kế hoạch nghỉ hưu sớm cho những nhân viên đủ điều kiện tại Mỹ và Canada là một phần trong bước đi chiến lược của hãng.”


Hiện Cisco chưa công bố chi tiết về mức chi phí có thể tiết kiệm được, cũng như có bao nhiêu nhân viên ở trong diện “phù hợp về hưu sớm.”


Hồi đầu tháng này, giám đốc điều hành Cisco John Chambers đã cảnh báo ban lãnh đạo sẽ có những “quyết định cứng rắn” nhằm cân đối lại các khoản chi tiêu trong bối cảnh hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn và áp lực như hiện nay.


Hôm 12/4, Cisco đã thông báo đóng cửa khối kinh doanh máy quay Flip Video nhằm tập trung vào những mục tiêu ưu tiên.




Theo Vietnamplus

Xem đầy đủ bài viết tại http://www.lomkom.com/2011/05/84993

4 GB RAM là đã đủ dùng?

4 GB (và nhỏ hơn) là dung lượng phổ biến hiện nay trong các máy tính hộ gia đình, phục vụ nhu cầu chơi game lẫn làm việc.


>> Kinh nghiệm nâng cấp RAM cho máy tính: Khó mà dễ!

>> Kinh nghiệm chọn mua card đồ họa chơi game


Đặt vấn đề


Đa số người tiêu dùng hiện nay đều trang bị cho hệ thống của mình bộ nhớ 4 GB là tối đa. Có 2 lý do cho điều này: Lý do kinh tế và lý do tâm lý – chúng ta đều nghĩ 4 GB là đủ. Tuy nhiên, chưa có ai kiểm nghiệm và khẳng định điều đó. Đâu đó, chúng ta vẫn thấy những chiếc PC dành cho việc chơi game hoặc workstation trang bị bộ nhớ lên đến 6, 8, 12GB; hoặc thậm chí hơn. Chắc chắn “lãng phí vô ích” không phải là câu trả lời thỏa đáng.


Hệ quả của thiếu RAM


Thuật ngữ “swap file” (hoặc page file) để ám chỉ việc một thiết bị lưu trữ khác ngoài RAM (thường là ổ cứng) được sử dụng với vai trò giống như bộ nhớ RAM. Tác dụng của page file là để tránh lỗi tràn bộ nhớ gây crash khi gặp phải ứng dụng đòi hỏi quá nhiều RAM.


Tuy nhiên, ổ cứng lại có tốc độ chậm hơn bộ nhớ RAM nhiều lần nên mỗi lần phải “vời” đến các page file này, tốc độ hệ thống của bạn sẽ tụt thấy rõ, thậm chí là giật nặng và treo máy khi chơi game nặng. Bởi vậy, nếu được trang bị đủ RAM, cỗ máy của chúng ta sẽ hoạt động trơn tru hơn rất nhiều.


Card đồ họa rời cũng ngốn RAM


“Đương nhiên rồi! Card đồ họa nào chả có bộ nhớ!” – hẳn sẽ là suy nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu bạn đọc. Nhưng không! Người viết xin nhấn mạnh rằng chúng ta đang đề cập đến bộ nhớ RAM của hệ thống chứ không phải bộ nhớ GDDR của card đồ họa. Hẳn đã từng có lúc bạn bật dxdiag và phát hiện ra bộ nhớ hiển thị không giống với bộ nhớ của card đồ họa đang sử dụng. Tôi đoan chắc rằng khi gặp trường hợp này, có đến hơn 90% người dùng sẽ


1/ Nghĩ ngay rằng window báo “bậy”. Dù sao chuyện này cũng… thường xuyên xảy ra.


2/ Đặt câu hỏi trên các diễn đàn và nhận được câu trả lời… “Window báo bậy đó bạn”!


Sự thực hoàn toàn không phải như vậy. Trước giờ chúng ta vẫn hay rỉ tai nhau rằng bộ nhớ 1 GB GDDR là quá đủ cho card đồ họa và hay “lườm” những chiếc card có bộ nhớ lớn hơn thế. Thực tế là: con số 1 GB dư dả đó không hề đủ, và card đồ họa thường xuyên phải “mượn” RAM từ hệ thống để lưu trữ một số thông tin cần thiết – chẳng hạn như texture (vân bề mặt). Tùy vào hệ thống có nhiều hay ít RAM mà khả năng “cho mượn” cũng thay đổi theo.


Theo bức hình phía trên, chiếc card 1 GB thuộc series HD 5800 có khả năng mượn 1407 MB của hệ thống sở hữu 4 GB RAM và tối đa 3 GB trong trường hợp hệ thống có 8 GB RAM trở lên. Như vậy, chúng ta có thể đặt ra nghi vấn: nhiều RAM liệu có tăng khả năng xử lý đồ họa?


Gaming benchmark


Theo lý thuyết, các game tận dụng được ít nhân của bộ xử lý hoặc các ứng dụng nền 32 bit hầu như không nhận được bất kì lợi thế nào của bộ nhớ > 4 GB.


Thực tế cũng phản ánh đúng như vậy: ngoại trừ Half-Life 2 phiên bản 64 bit, hiệu năng game hầu như chẳng tăng là bao.


Các ứng dụng khác


Câu trả lời chúng ta nhận được là: có tăng nhưng không đáng kể – ít nhất là đối với số tiền bỏ ra. Tuy nhiên đối với các kỹ sư có nhu cầu render liên tục, 17% là cực kì quý giá.


Kết luận


Chúng tôi không biết phải dùng từ “đáng tiếc” hay “đáng mừng” để nhận định nữa. “4 GB là đủ dùng” – có lẽ đây là kết luận đúng đắn (ít nhất là) trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, thời của 64 bit đã đến. Trong tương lai gần, việc bổ sung bộ nhớ RAM sẽ là rất cần thiết. Hãy nhìn vào Half-Life 2: đầu tư thêm khoảng 80 USD cho 4 GB RAM, hiệu năng tăng đến 35% – một phi vụ quá hời so với nâng cấp card đồ họa!




Theo MaskOnline/GenK

Xem đầy đủ bài viết tại http://www.lomkom.com/2011/05/84981

Windows 8 Milestone 3 đã có link tải về

Ngay sau khi xuất hiện trên máy chủ FTP của BetaArchive tối hôm qua, phiên bản Windows 8 Milestone 3 Build 7959 64-bit đã nhanh chóng được tải về và chia sẻ trên một số diễn đàn.


>> 7 yếu tố chắc chắn sẽ xuất hiện ở Windows 8

>> Windows 8 cho dùng một ID online đăng nhập nhiều máy


Như từng nhắc đến ở bài viết Phiên bản tiếp theo Windows 8 Milestone 1 lộ diện, Windows 8 Milestone 3 có nhân là Windows 2008 Server R2 Enterpise. Hiện tại, bạn có thể tải về file ISO của Windows 8 Milestone 3 64-bit (được chia nhỏ thành 16 phần) từ địa chỉ này.


Sau khi tải xong và sử dụng tính năng Join của phần mềm HJSplit nối 16 file lại, bạn sẽ có file ISO dung lượng khoảng 2,87GB để ghi vào đĩa DVD.


Bạn cài đặt Windows 8 Milestone 3 lên ổ đĩa còn trống nhiều dung lượng (9GB trở lên) tương tự như lúc cài Windows 7, hoặc cài lên máy ảo của phần mềm nào đó (chẳng hạn VirtualBox) để thử nghiệm trước.




Video clip quá trình đăng nhập Windows 8 Milestone 3 64-bit lần đầu lúc cài xong:




Theo GoNews

Xem đầy đủ bài viết tại http://www.lomkom.com/2011/05/84975

Sắp diễn ra Hội nghị Viễn thông quốc tế Việt Nam 2011

Hội nghị Viễn thông quốc tế Việt Nam 2011 dự kiến diễn ra từ ngày 31/5 – 2/6/2011, tại Hà Nội với chủ đề “Việt Nam trực tuyến với băng thông rộng cho tất cả mọi người” (Getting Viet Nam Online with Broadband for All).


>> Ericsson: “Việt Nam sẽ tiến đến một xã hội kết nối”

>> Nhiều cơ quan Nhà nước “ngỏ cửa” đón tin tặc


Hội nghị do Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (TT&TT) – Bộ TT&TT và Công ty tổ chức sự kiện Beacon (Hồng Kông) đồng tổ chức.


Hội nghị viễn thông quốc tế năm nay diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển kết nối băng thông rộng và thông tin di động, triển khai Đề án sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT&TT.


Hội nghị sẽ hướng tới mục đích tăng cường hiểu biết về các cơ hội đầu tư, phát triển tại thị trường viễn thông Việt Nam cho các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam trao đổi kinh nghiệm, học hỏi những công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, các ứng dụng và dịch vụ mới nhằm thúc đẩy phát triển viễn thông Việt Nam. Chia sẻ kinh nghiệm thành công trong nước, quốc tế và tạo diễn đàn cầu nối giữa các đại biểu tham dự hội nghị.


Hội nghị chính thức diễn ra trong hai ngày 1-2/6/2011. Trước đó, ngày 31/5/2011 sẽ diễn ra Hội thảo “Những lợi ích của điện toán đám mây và triển khai một hệ thống có hiệu quả”.


Dự kiến có khoảng 30-40 đại biểu tham dự hội thảo và khoảng 200 đại biểu là cán bộ, các cơ quan, đơn vị trọng Bộ TT&TT, đại diện các doanh nghiệp viễn thông và CNTT trong nước và quốc tế tham dự hội nghị. Đặc biệt năm nay, Hội nghị có sự tham dự và trình bày tham luận của hai diễn giả ITU.


Đây là năm thứ 4 liên tiếp Bộ TT&TT bảo trợ tổ chức Hội nghị Viễn thông quốc tế Việt Nam.




Theo VTC.VN

Xem đầy đủ bài viết tại http://www.lomkom.com/2011/05/84971

9 điều cần biết trước khi mua TV 3D

Thế giới giải trí đang bước sang ngưỡng cửa của công nghệ 3D. Nhưng giữa một “rừng” TV 3D, người dùng cần trang bị cho mình những kiến thức gì trước khi lựa chọn một sản phẩm hợp lí?


>> Đầu năm – thời điểm tốt nhất để mua HDTV

>> 10 lỗi thường gặp khi sắm rạp hát tại gia


Chúng ta đang bước vào kỉ nguyên sôi động của công nghệ 3D. Nhưng trước khi bỏ tiền để sắm sửa một chiếc TV theo kịp trào lưu, những ý kiến sau đây sẽ giúp bạn chi tiêu hiệu quả nhất.


1. Thụ động và chủ động


Đây là yếu tố tiên quyết, quyết định sự lựa chọn của bạn là đúng đắn hay sai lầm khi mua TV 3D. Sở dĩ nói như vậy vì hiện nay thị trường TV 3D chia làm 2 công nghệ sản xuất.


Một bên là công nghệ màn hình chủ động vốn tồn tại lâu nay và đã hiện diện trên thị trường được 2 năm trên các TV 3D đời cũ. Một bên là công nghệ thụ động, mới được hai hãng điện tử LG và Vizio sáng chế và đưa vào áp dụng trên các TV 3D đời mới.


Điểm khác nhau của 2 công nghệ này chính là khả năng theo dõi các hình ảnh 3D từ phía người dùng. Với các TV 3D chủ động, cặp kính mắt đi kèm sẽ kiêm một màn trập tự động, tắt mở mắt trái/phải để đưa tới giác mạc người xem hình ảnh 3D.


Còn với TV 3D thụ động, bản chất trên mỗi panel của màn hình đã bao gồm lớp kính lọc phân cực, có tác dụng tự động tương tác với cặp kính lọc đang đeo để người xem có thể thưởng thức hình ảnh 3D.


Điểm khác biệt của 2 công nghệ này chính là việc công nghệ TV 3D thụ động sẽ giúp người xem không bị ảnh hưởng bởi góc nhìn, thời lượng pin của kính trập tự động cũng như ít gây các ảnh hưởng tới mắt.


Hiện nay đa số các TV 3D bán trên thị trường Việt Nam đều dùng công nghệ chủ động, mới chỉ có LG phân phối 2 mẫu LW6500 và LW5700 sử dụng màn hình thụ động.


2. Độ phân giải không hẳn đã quan trọng


Trước đây, khi mua HDTV, cái mà người dùng quan tâm chính là độ phân giải. Tuy nhiên, giữa ma trận của 720p, 1080p, 1080i…với những người không chuyên con số này thật lùng bùng.


Thật ra nên cân nhắc bởi hầu hết các chương trình giải trí hay nội dung HD trên thị trường đều phổ biến ở độ phân giải 720p hay còn gọi HD ready. TV 3D cũng vậy, hầu hết các TV 3D giá rẻ đều hỗ trợ tối đa độ phân giải HD ready. Việc thưởng thức các tập tin 3D độ phân giải 720p hay 1080p trên nền màn hình này đều không có khác biệt, nhất là khi kích cỡ TV từ 47 inch trở xuống. Vì thế, nếu kinh tế không dư dả thì người dùng nên cân nhắc việc mua TV 3D chuẩn HD ready hơn là đầu tư TV 3D full HD giá chênh lệch nhau từ 5 đến 8 triệu đồng.


3. Góc nhìn


Như đã nói ở trên, góc nhìn cũng là một yếu tố quan trọng khi thưởng thức nội dung 3D. Tùy loại TV 3D mà khi thay đổi góc nhìn, người dùng được thưởng thức trọn vẹn hình ảnh 3D hay không.


Điều này rất đáng để cân nhắc bởi nếu gia đình bạn đông người, mỗi người ngồi một góc thì sẽ không phải ai cũng được xem hình ảnh sắc nét như nhau. Vì vậy, bài toán đặt ra lại là việc bạn chọn TV 3D theo công nghệ nào, chủ động hay thụ động?


4. Tần số quét


Theo ý kiến nhiều chuyên gia, một TV 3D muốn đem tới trải nghiệm tốt cho người xem thì phải có tần số quét từ 200 Hz trở lên. Tuy nhiên, rất ít người dùng chú ý tới thông số này bởi hầu như các nhà sản xuất đều ém nhẹm.


Về lí thuyết, tần số quét chỉ cần 100 Hz là đã có thể hiển thị nội dung 3D và trên thị trường vẫn tồn tại khá nhiều TV 3D có tần số quét như vậy.


Nếu có dịp thử nghiệm, bạn sẽ phát hiện ra rằng, tần số quét hình càng cao, hình ảnh càng mượt hơn, rõ nét hơn tới từng động tác và với những TV 3D tần số quét thấp, sẽ dẫn tới hiện tượng bóng mờ khi phát các nội dung hình ảnh có chuyển động nhanh.


5. Plasma, LED, LCD hay… máy chiếu?


Điểm khác biệt của 3 công nghệ này ngoài chi phí thì nhận định chung của các chuyên gia là: TV Plasma nhiều hạt, tuổi thọ thấp hơn 2 công nghệ còn lại cũng như tiêu hao điện năng hơn, bù lại hình ảnh có màu sắc ấm hơn và tần số quét khá cao. TV LCD cho chất lượng trung bình, nhưng đôi khi bị hở sáng dẫn tới việc màu sắc không thật. Màn LED cho màu sắc khá đẹp theo khía cạnh rực rỡ, tươi và mịn; thiết kế của các TV màn LED cũng mỏng và gọn hơn rất nhiều, ít ăn điện. Tuy nhiên giá của màn LED thì đắt gấp đôi thậm chí 2,5 lần giá màn Plasma; 1,5 lần so với LCD cùng kích cỡ.


Sử dụng máy chiếu cũng là một giải pháp hay nếu người dùng có khả năng dựng một khán phòng nhỏ, đáp ứng số lượng người xem trên 10 người. Giá thành cho một máy chiếu tầm trung khoảng trên dưới 50 triệu đồng và nếu để trải nghiệm nội dung 3D độ nét cao, chi phí có thể lên tới trên 100 triệu đồng/máy chiếu. Ưu điểm khi thưởng thức bằng máy chiếu chính là việc màn hình lớn và tính cơ động cao. Tuy vậy, nhược điểm về giá thành và tuổi thọ đèn chiếu cũng là cái người dùng nên cân nhắc.


6. TV 3D hay TV 3D thông minh?


TV 3D đã là mới nhưng TV 3D thông minh lại càng mới hơn và… càng đắt tiền hơn. Điều này liên quan mật thiết đến khả năng chi tiêu của người tiêu dùng. Nếu bạn là người có túi tiền rủng rỉnh và đang kiếm tìm cho mình một chiếc TV 3D đẹp mắt bày phòng khách, đa chức năng, có thể lướt web, xem video Youtube hay truy cập nội dung trên mạng xã hội thì tại sao không chọn chiếc TV 3D thông minh với các tính năng bổ trợ đột phá?


Tuy nhiên, hãy cân nhắc bởi những chiếc TV 3D loại này thường chênh lệch tới 30% so với giá TV 3D thông thường và nó buộc bạn sẽ phải suy nghĩ lại rằng, có thực sự cần thiết các chức năng ấy không. Thật sự, nếu chỉ cần một thiết bị giải trí với công nghệ 3D thời thượng, TV 3D nên là lựa chọn cuối. Hãy nghĩ kĩ trước khi xuống tiền cho chiếc TV 3D thông minh bởi chắc chắn bạn đã và đang sở hữu một chiếc máy tính và dĩ nhiên độ “thông thái” ăn đứt một chiếc TV dù công nghệ smart TV có cao cấp đến đâu. Thêm vào đó, việc ngồi dán mắt cả ngày vào màn hình TV sẽ dẫn tới nhiều tác động không tốt tới thị lực của người dùng.


7. Nguồn nội dung


Mua một chiếc TV 3D chứng tỏ bạn là một người yêu công nghệ. Thế nhưng, hãy cân nhắc kĩ trước khi tiếp cận hình thức giải trí thời thượng này bởi bạn sẽ chẳng giải trí được cái gì nếu sắm TV 3D mà chẳng có nội dung gì để thưởng thức trên nó.


Nguồn nội dung 3D vốn vẫn đang trong thời gian thai nghén. Hiện tại trên thị trường cũng có kha khá các đơn vị cung cấp nội dung 3D như đĩa Blu-ray hay sao chép các tập tin 3D HD qua ổ cứng.


Tuy nhiên, các nội dung này vẫn chỉ giới hạn ở các phim chiếu rạp hay các chương trình phóng sự dài kì của các kênh truyền hình sản xuất. Nếu con bạn muốn thưởng thức Tom và Jerry trên TV 3D với một trải nghiệm đa chiều thì sao? Về lí thuyết là có thể nhưng những hình ảnh 3D lúc này thực chất chỉ là một công nghệ biến đổi góc nhìn được tích hợp sẵn trên các TV 3D nhằm chuyển các nội dung từ 2D sang. Do đó, chất lượng không cần nói ai cũng có thể đoán ra rằng nó “í ẹ” đến mức độ nào.


Vậy bỏ ra vài chục triệu để sắm một chiếc TV 3D về xem 2D nội suy thì quả thực là một sự lãng phí.


8. Phụ kiện


Khi mua TV 3D, người dùng sẽ được nhà sản xuất “hào phóng” tặng thêm tối thiểu 2 chiếc kính trập tự động để thưởng thức nội dung nổi kèm lời quảng cáo: “Mua lẻ một chiếc kính giá vài triệu đấy”. Sự thực đúng như vậy và sẽ chẳng ai thích nếu mua một chiếc TV 3D về để rồi cả nhà 4 người tranh nhau cặp kính để xem, vậy là lại dốc hầu bao để sắm thêm vài chiếc nữa. Rốt cuộc chi phí để bỏ ra thưởng thức 3D sẽ bị đội lên thêm vài triệu đồng.


Sắp tới thị trường sẽ đón nhận thêm các dòng TV 3D thụ động với kính đeo có giá rẻ hơn, khoảng 200 nghìn/chiếc. Đây được xem là một bước chuyển khá đúng hướng của nhà sản xuất nhưng là người tiêu dùng thông minh, bạn vẫn cần cân nhắc yếu tố này.


Ngoài ra, đã thưởng thức hình ảnh nổi mà âm thanh… chìm thì thật là phi lí. Chắc chắn nhân viên tư vấn bán hàng sẽ lại tư vấn rằng bạn nên sắm thêm dàn âm thanh Home Theatre có giá vài triệu đồng để đã mắt sướng tai cùng nội dung 3D.


Vậy là sau một hồi nhẩm đi nhẩm lại, người dùng sẽ thấy rằng chi phí phụ phí để song hành cùng TV 3D là một bài toán với đáp số khá lớn. Đó là còn chưa kể những nhà sản xuất ma mị nào là đầu chơi đĩa HD 3D (thực chất là đầu chơi Blu-ray bình thường) hay dàn Home Theatre 3D sẽ ngốn kha khá tiền nếu như người dùng nhẹ dạ.


9. Tương lai


Trong một họp báo gần đây, một nhà sản xuất TV 3D cho biết, công nghệ này gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu là các TV 3D với kính trập tự động, giá kính đắt, hiệu năng sử dụng thấp, người dùng tốn khá nhiều chi phí đầu tư. Giai đoạn 2 sẽ là thời của các TV 3D với kính phân cực giá rẻ và màn hình độ nét cao. Giai đoạn 3 là thời điểm bùng nổ của 3D khi mà người dùng không cần phải đeo kính vẫn có thể thưởng thức các nội dung với hiệu ứng nổi bật.


Hiện nay trên thị trường TV 3D đang bước ở cuối giai đoạn 1, dần sang giai đoạn 2, với những chiếc TV 3D mạnh mẽ hơn, ưu việt hơn cùng các cặp kính phân cực giá rẻ của công nghệ thụ động. Giai đoạn 2 này sẽ kéo dài khoảng 2 năm và cũng như các TV 3D tự động sẽ dần biến mất trên thị trường do bộc lộ những yếu điểm về công nghệ.


Vậy nên, nếu đã xác định sắm một chiếc TV 3D thời điểm này, người dùng cần xác định rõ mục đích của mình để lựa chọn một sản phẩm giải trí đúng đắn. Đó không chỉ là giá thành, công nghệ mà đó còn là tương lai bởi khi đã sang một chuẩn mực mới, các nội dung 3D sẽ không còn tương thích với các công nghệ cũ, và đó quả là một sự đầu tư lãng phí.



Theo VietNamNet

Xem đầy đủ bài viết tại http://www.lomkom.com/2011/05/84961

Popular Posts